Ông Sơn Hang - nông dân Khmer tự lực vươn lên làm giàu từ chăn nuôi bò sữa
Với sự cần cù trong lao động và tận dụng được điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Sơn Hang ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) vươn lên trở thành những hộ khá giả bằng mô hình chăn nuôi bò sữa. 
Ông Sơn Hang là thành viên chăn nuôi bò sữa thuộc nhóm Trà Bết, được biết đến là người “mát tay” trong công việc này. Theo ông, tiềm năng, lợi thế của địa phương là đất rộng, có nhiều cỏ mọc hoang và tận dụng đất trống trồng cỏ, đây là yếu tố để có nguồn thức ăn dồi, phát triển đàn bò lâu dài. Bên cạnh đó, việc mạnh dạn tham gia mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung thành tổ, nhóm đã giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. 
 
Vợ chồng ông bắt đầu hành trình nuôi bò sữa từ năm 2009, với 1 con khởi nghiệp trong khó khăn. Đến năm 2015, ông tham gia dự án chăn nuôi bò sữa của tỉnh triển khai, số lượng được 3 con. Hiện tại, qua 5 năm tham gia dự án, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên 18 con bò sữa, trong đó có 6 con bò đang vắt sữa, còn lại là 12 con bò còn lại đang trong quá trình phát triển. Ông đang bán sữa tại điểm thu mua của Vinamilk, bình quân là 100 kg/ngày với giá bán dao động từ 14.000 - 14.500 đồng/kg, nhưng hiện tại do dịch bệnh nên giá có thay đổi. Bên cạnh đó, ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động của địa phương. “Khi được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình phát triển nhanh và cho năng suất sữa cao hẳn lên. Trong chăn nuôi đôi lúc cũng khó khăn, đó là bò thường hay mắc bệnh lở mồm, long móng, hoặc nuôi lâu năm và phối giống qua nhiều lần thì không hiệu quả nữa” – ông Sơn Hang chia sẻ. 
 
Nhờ siêng năng, chăm chỉ trong mô hình chăn nuôi bò sữa, gia đình ông Sơn Hang đã có kinh tế ổn định. Ảnh: Ngọc Diễm
 
Từ khi tham gia dự án, gia đình ông được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, tinh bò sữa giới tính, tinh cao sản phát triển đàn; hỗ trợ giống cỏ, giống bắp, túi ủ để thực hiện ủ chua, dự trữ thức ăn có dinh dưỡng cao để có chất lượng sữa tốt; hỗ trợ mượn vốn xây dựng chuồng trại, thực hiện công trình bioga đảm bảo kỹ thuật để hạn chế các bệnh chân, móng và bào vệ môi trường chăn nuôi; hỗ trợ các máy móc thiết bị phục vụ chăn nuôi như máy băm cỏ, máy vắt sữa, quạt làm mát chuồng bò. Dự án thường xuyên hỗ trợ và tư vấn khi gặp các vấn đề trong chăn nuôi, từ đó giúp thêm động lực để ông mạnh dạn đầu tư và phát triển đàn.
 
Theo ông Sơn Hang, trước khi tham gia dự án, gia đình ông chăm sóc bò sữa theo tập quán cũ, kỹ thuật rất hạn chế, nên việc nuôi bò sữa của gia đình gặp nhiều khó khăn, đàn bò sữa chậm phát triển và thường nhiễm bệnh, nên năng suất và chất lượng sữa thấp. Ông Sơn Hang không ngần ngại sẻ kinh nghiệm khi đã thành công: “Trong thời gian qua, tôi nhận thấy để việc chăn nuôi bò sữa có hiệu quả chúng ta cần có những con bò hậu bị tốt, mạnh dạn loại thải bò năng suất thấp có các vấn đề về sinh sản. Đồng thời cải tạo chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, đầu tư máy băm cỏ, máy vắt sữa như vậy sẽ tốn ít công chăm sóc; chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống sạch cho bò, nhất là lên kế hoạch trồng cỏ, trồng bắp, thực hiện ủ chua dự trữ, trữ rơm để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò, giúp tạo ra sản phẩm sữa có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đơn vị thu mua. Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh, tiêm phòng đầy đù cho đàn bò và điều quan trọng là tinh thần tham gia, học hỏi và tích cực áp dụng các hướng dẫn và tư vấn từ dự án và các cơ quan chuyên môn”. 
 
Ngọc Diễm
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86022085

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.