22/07/2021
Chuyển giao bò cái sinh sản - giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho bà con vùng đồng bào dân tộc
Nghề chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế thiết thực đối với nông hộ. Tuy nhiên, việc phát triển nghề còn chưa xứng với tiềm năng do nhiều hộ nuôi còn thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất khi tiếp cận mô hình. Từ thực tế này, mô hình chuyển giao bò cái sinh sản ở vùng đồng bào dân tộc do Ban Quản lí Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng triển khai từ năm 2017 được xem là “cứu cánh”, góp phần giải quyết nhu cầu tham gia lao động sản xuất của nhiều bà con, tạo sinh kế ổn định cho những hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; từng bước cải thiện thu nhập và hướng đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc.
Điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình hai bên lại không có đất đai để phát triển sản xuất, nhiều năm nay, vợ chồng ông Thái Quên ở khóm Vĩnh Bình, Phường 2, TX. Vĩnh Châu phải làm thuê đủ nghề để trang trải chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Cuối năm 2017, ông Thái Quên là một trong số 40 hộ có đủ điều kiện tiếp nhận 2 con bò cái hậu bị được Ban Quản lí Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ. Nhờ cần cù, chịu khó và thực hành đầy đủ các quy trình kĩ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến tiêm phòng dịch bệnh trên bò; mà đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển được 7 con. Hiện ông Quên cũng đã bàn giao lại cho dự án 3 con bê cái theo thỏa thuận ban đầu. Ông Quên chia sẻ: “Bò nuôi lớn thì mình bán lấy tiền để mua thêm bò phối giống, lúc gia đình thiếu hụt mình cũng có bò bán thịt để giải quyết khó khăn. Chứ lúc trước khổ lắm, không có ruộng đất gì hết, vợ chồng con cái làm thuê đủ nghề mà cũng không có dư”.
Cũng với hình thức chuyển giao này, tại xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, 20 hộ có đủ điều kiện cũng đã được dự án hỗ trợ mỗi hộ 5 con bò cái hậu bị cùng nguồn vốn không lãi suất là 10 triệu đồng mỗi hộ để có điều kiện nâng cấp chuồng trại, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ quá trình chăn nuôi như máy băm thái cỏ. Chính sách hỗ trợ từ dự án phát triển chăn nuôi bò là rất kịp thời và hiệu quả, tạo thêm động lực để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Với những hiệu quả cũng như kinh nghiệm đúc kết được khi tham gia mô hình, nhiều hộ đang dự định thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt nhằm giúp các hộ còn thiếu vốn sản xuất có cơ hội là hộ tiếp theo được nhận bò cái chuyển giao từ dự án; từng bước hình thành vùng sản xuất bò giống có chất lượng, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con trong vùng. Ông Phạm Văn Phù - một trong những hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ chăn nuôi bò thịt cho biết: “Xã Hồ Đắc Kiện cũng là xã điểm trong phát triển chăn nuôi bò cho nên thấy được chủ trương của cấp trên quan tâm đến người nông dân như vậy thì tụi tôi cũng muốn nhân rộng mô hình để mọi người cùng tham gia. Để nhân rộng thì trước tiên mình phải học hỏi kinh nghiệm rồi báo lại với cán bộ thú y địa phương để có nguồn giống đảm bảo, như vậy khi nuôi bò mới phát triển khỏe mạnh được”.
Nhờ được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, nhiều hộ dân thuộc vùng đồng bào dân tộc đã cải thiện đáng kể kinh tế trong gia đình.
Hộ nuôi được hỗ trợ bò sẽ bàn giao lại cho dự án bê cái khi đạt 6 tháng tuổi, số bê này sẽ tiếp tục được chuyển giao cho các gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang có nhu cầu chăn nuôi bò thịt; trong quá trình tham gia, người nuôi được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại cũng như những kĩ thuật cần lưu ý khi thực hiện phối giống cho bò. Tính đến nay, dự án đã nhận lại được 17 con bê cái từ mô hình, số bê này tiếp tục được chuyển giao cho 7 hộ khác tại huyện Thạnh Trị và Cù Lao Dung. Hình thức chuyển giao này đã góp phần giải quyết thỏa đáng nhu cầu tham gia lao động sản xuất của nhiều bà con, tạo sinh kế ổn định cho những gia đình khó khăn. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần cải tạo và nâng cao chất lượng giống bò thịt sinh sản của tỉnh. Đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Từ các mô hình này, mục đích cốt lõi của dự án là từng bước xây dựng được vùng sản xuất giống để cung ứng con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng địa phương, giúp hộ nuôi bò trong tỉnh phát triển nghề nuôi được bền vững hơn. Quan trọng là tạo điều kiện để những hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận với loài vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để ổn định sinh kế gia đình”.
Nhờ xây dựng kế hoạch bài bản và lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng mà mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở vùng đồng bào dân tộc đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực từ người dân, tạo sức bật mới đối với nghề chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Sóc Trăng; từng bước phát triển hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi tập trung; giúp hộ nuôi cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo theo đúng mục tiêu của dự án.
Ngọc Thơ