Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc luôn được quan tâm
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp, từ đó, công tác tuyên truyền của đơn vị được quan tâm thực hiện tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật được phổ biến kịp thời. Qua đó góp phần chuyển biến nhận thức, hành vi, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, chính sách dân tộc của đồng bào DTTS, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hạn chế vi phạm pháp luật, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nâng cao nhận thức tư tưởng trong cán bộ, các vị sư sãi; ban quản trị chùa, đồng bào Khmer và đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, người có uy tín và đồng bào có đạo về chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đồng thời nâng cao nhận thức cho đồng bào về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.
Được biết, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, trong đó lồng ghép với công tác chuyên môn, các chương trình, đề án, dự án khác như: Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” và Đề án: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân DTTS”; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người, Luật An ninh mạng; tình hình kinh tế - xã hội, công tác dân tộc và một số văn bản khác. Biên soạn, phát hành tài liệu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục phóng sự về “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS” trên địa bàn tỉnh định kỳ 1 chuyên đề/quý; chuyên đề “Dân tộc và phát triển” định kỳ 1 chuyên đề/tháng; chuyên đề “Giảm thiểu kết hôn cận huyết thống ở đồng bào dân tộc Khmer tỉnh” định kỳ 1 chuyên đề/6 tháng. chuyên đề “Dân tộc và phát triển” được phát sóng bằng hai thứ tiếng Kinh - Khmer; các chuyên đề còn lại được phát sóng bằng tiếng dân tộc Khmer. Mua sách báo cấp phát cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh với số lượng 78.455 tờ báo. Phối hợp với hệ thống bưu điện các cấp trong tỉnh cấp phát 19 loại báo, tạp chí không thu tiền với số lượng 168.228 tờ báo, tạp chí cho 92 chùa Khmer, các xã thuộc vùng dân tộc, xã thuộc khu vực III, ấp, khóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, ấp, khóm thuộc các xã, phường biên giới và người có uy tín theo đúng quy định của Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một tủ sách pháp luật được bố trí tại phòng Tiếp dân - Thanh tra Ban Dân tộc. Ngoài ra, tại phòng khách, đơn vị luôn bố trí kệ sách, báo, được cập nhật hàng ngày để đảm bảo cung cấp các tin tức liên quan ngành và các tin tức khác một cách nhanh chóng. Tủ sách có gần 200 đầu sách, nội dung liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, người lao động; hoạt động của đơn vị và chính quyền địa phương; các tài liệu pháp luật phổ thông như sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân; báo, bản tin pháp luật của trung ương và địa phương…
Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc. Ảnh: T.H
Chị Thạch Thị My Sol, ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) chia sẻ: Trước đây, đời sống gia đình còn khó khăn, phải lo làm ăn, nên tôi chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về pháp luật. Thế nhưng từ khi được tham gia các buổi tuyên truyền, PBGDPL của các ngành chức năng tổ chức, tôi đã hiểu rõ và thường xuyên vận động người thân trong gia đình, trong xóm, ấp làm gì cũng phải thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước”.
Theo đồng chí Cao Tĩnh - Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh, theo kế hoạch trong năm nay sẽ tổ chức các hội nghị tuyên truyền văn bản pháp luật, các chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; người có uy tín; trụ trì và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Ban Dân tộc tiếp tục triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh; đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh và đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể triển khai thực hiện theo kế hoạch được. Hiện nay, tình hình dịch bệnh được kiềm chế, Ban Dân tộc cân nhắc việc triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Đồng chí Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tốt các đề án, quyết định của Chính phủ về công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào vùng dân DTTS. Ban Dân tộc tỉnh tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác tuyên truyền trong đồng bào DTTS. Sử dụng các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền tại các vùng đồng bào DTTS; qua đó tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, phát triển bền vững vùng DTTS”.
T.H