Thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
         Là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác dân tộc và chăm lo đời sống bà con dân tộc Khmer. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh kết quả việc thực hiện chính sách dân tộc; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.

        Phóng viên: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thời gian qua, tình hình đời sống của đồng bào Khmer và công tác dân tộc ở Sóc Trăng được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

        Đồng chí Ngô Hùng: Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Nhất là đã thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho đồng bào có điều kiện tiếp cận các nguồn lực và phát huy nội lực để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…

        Trong năm 2019, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,3%; GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có trên 11.300 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 15.890 hộ, chiếm 4,91% tổng số hộ, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 7.694 hộ, chiếm 7,67% tổng số hộ Khmer (giảm 5,31% so với năm 2018)… Song song đó, kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc được đầu tư ngày càng hoàn thiện; các chính sách an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… có chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, công tác xây dựng hệ thống chính trị ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, bà con đều thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

        Phóng viên: Việc triển khai các chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả ra sao? 

        Đồng chí Ngô Hùng: Trong năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc quản lý. Điển hình như việc triển khai thực hiện Dự án 2, Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), với tổng vốn đầu tư năm 2019 trên 80 tỷ đồng, đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở…

         Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền cho 355 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và 01 cuộc hội thảo, với 150 cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, đạt 100% kế hoạch.

         Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho 1.050 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường dân tộc nội trú, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.  

Đồng chí Ngô Hùng. Ảnh: Quang Bình

         Thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh đã cấp phát 19 loại báo, tạp chí cho 92 chùa Khmer, các xã thuộc vùng dân tộc, xã thuộc khu vực III; ấp, khóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; ấp, khóm thuộc các xã, phường biên giới và người có uy tín theo quy định.

          Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg  ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2019, đã hỗ trợ xây dựng và cải tạo được 320 căn nhà cho người nghèo với kinh phí là 9 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn khác. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tố các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ như: Tổ chức hội nghị thông tin các chính sách; tổ chức đi học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; cấp phát các loại báo, tạp chí… để kịp thời cung cấp thông tin tình hình kinh tế xã hội và kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…. 

          Phóng viên: Thưa đồng chí, riêng đối với Sóc Trăng thì kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương như thế nào?

          Đồng chí Ngô Hùng: Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương như: Thực hiện Đề án hỗ trợ lắp đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho các hộ nghèo trên địa bàn nông thôn tỉnh theo Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh, đến cuối năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt miễn phí trên 4.300 đồng hồ và miễn thu phí trên 192.000m3 nước sinh hoạt cho hộ nghèo, góp phần giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nói riêng được tiếp cận với nguồn nước sạch hợp vệ sinh, nhất là tại những vùng đang có nguy cơ thiếu nước trong mùa khô, nơi xảy ra tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập. 

           Trong năm 2019, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Có thể nói đây là một chính sách đặc thù riêng của tỉnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy hơn nữa công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn nữa chính sách giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

         Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, trong đó có đồng bào Khmer. Đồng thời, tỉnh đang triển khai thực hiện 17 đề tài, dự án có liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer; phát triển du lịch sông nước miệt vườn; xây dựng một số mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… phù hợp với điều kiện của từng địa phương để góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

         Phóng viên: Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm vụ trong công tác dân tộc thời gian tới của tỉnh ta, như thế nào thưa đồng chí?

         Đồng chí Ngô Hùng: Trong thời gian tới, mà cụ thể là trong năm 2020 này, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 14/02/2017 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các văn bản có liên quan về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đặc biệt là chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các chính sách được triển khai đúng đối tượng. Tổ chức tốt các hoạt động lễ hội truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôl-Ta và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác dân tộc. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc…, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ, xây dựng quê hương Sóc Trăng giàu đẹp, văn minh.

         Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Quang Bình (thực hiện)



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86036427

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.