Du lịch Sóc Trăng tích cực tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa
Để phong trào chống rác thải nhựa ngày càng hiệu quả, ngành tích cực tuyên truyền các văn bản chỉ đạo như Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 30/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 -2025”; Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Đồng thời, tổ chức lồng ghép các nội dung liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong quá trình tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng và nghiệp vụ du lịch đã lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và chống sử dụng rác thải nhựa tại các điểm du lịch cho học viên.
Bên cạnh đó, thường xuyên ban hành văn bản tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác có kế hoạch giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích các hình thức sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như ống hút tre, sậy, ly thủy tinh… Bố trí nơi trưng bày các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường tại khu vực lễ tân, nơi đón tiếp khách nhằm kêu gọi, vận động khách du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Đối với các di tích, điểm du lịch đều bố trí lắp đặt các pano tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy”... Đồng thời, bố trí các thùng rác, có bộ phận thường xuyên thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường…
Cùng với đó, các dịch vụ nơi diễn ra lễ hội đều được quản lý chặt chẽ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không tăng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các điểm dịch vụ trong lễ hội được sắp xếp, bố trí theo trật tự và sơ đồ cụ thể, không để tình trạng hàng quán, điểm dịch vụ bày bán lộn xộn, mất mỹ quan, rác thải bừa bộn.
Mặc dù đẩy mạnh công tác tuyên truyền và bố trí các thùng rác công cộng, nhân viên làm vệ sinh trực suốt trong thời gian diễn ra các lễ hội, hoạt động du lịch, liên hoan ẩm thực... nhưng do lượng khách quá đông nên các thùng rác công cộng tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khách du lịch thường có thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và sử dụng. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay chưa nhiều, giá thành cao, chưa có chính sách hỗ trợ về giá cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Panô tuyên truyền rác thải nhựa
Để thúc đẩy giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa từ hoạt động du lịch cần có sự chung tay góp sức của mọi người nhằm nâng cao nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan về môi trường, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại để đáp ứng được yêu cầu thực thi các văn bản pháp luật của nhà nước về việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Thứ hai, người dân, du khách cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, tăng cường phân loại rác thải tại các điểm tham quan, các di tích, lễ hội tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Thứ ba, ngành du lịch cần tích cường tuyên truyền và thường xuyên nhắc nhở đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải có kế hoạch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định.
Thứ tư, tăng cường phát động phong trào sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường khi đi du lịch như mang theo bình nước cá nhân, sử dụng ống hút bằng sậy, gạo, mang túi xách bằng cói, lục bình đựng đồ, sử dụng ly giấy trong khi nước uống... triển khai một số hoạt động thiết thực như: phát động phong trào đổi rác thải nhựa lấy quà tại các điểm di tích, lễ hội.
Với sự chung tay của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, phong trào “Chống rác thải nhựa” từ hoạt động du lịch sẽ càng phát triển sâu, rộng trong cộng đồng, nâng cao ý thức cho mỗi người dân, mỗi du khách về việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng và thải đồ dùng bằng nhựa, túi nilon ra môi trường. Hoạt động du lịch trên địa bàn sẽ từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống, thân thiện môi trường của địa phương đến với du khách gần xa.
Tân Trang