05/11/2019
Sóc Trăng: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội Oóc Om Boc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer
Lễ hội Oóc Om Boc hay còn gọi là lễ Cúng Trăng, được tổ chức định kỳ vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, là một trong ba lễ hội truyền thống và đặc trưng có từ rất lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được họ coi như một vị thần cai quản thời tiết, bảo vệ mùa màng và mang đến cho họ sự ấm no, hạnh phúc. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 05 - 11/11/2019 với tên gọi “Lễ hội Oóc Om Boc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019” hứa hẹn sẽ đem đến nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng.
Một trong những hoạt động sôi nổi và náo nhiệt nhất của Lễ Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 là Hội Đua ghe Ngo - một nghi thức truyền thống để tiễn đưa thần nước của đồng bào Khmer. Hội Đua ghe Ngo được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/11 với hơn 50 đội ghe đăng ký thi đấu; trong đó, ngoài các đội ghe Ngo của tỉnh, còn có các đội ghe từ các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long.... tham gia thi đấu.
Các đội tham gia thi đấu đua ghe Ngo
Hội thi thả đèn nước
Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc còn có nhiều hoạt động quy mô, hoành tráng, nhất là lễ Cúng Trăng, hội thi Thả đèn nước, phục dựng ghe Cà Hâu, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội chợ thương mại... thu hút đông đảo bà con phật tử, du khách trong và ngoài nước tham dự, quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông phục vụ đồng bào tham gia các hoạt động Lễ hội Oóc Om Bóc vui tươi, an toàn.
Có thể nói, thời gian qua mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các lễ hội truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer luôn được quan tâm tổ chức ngày càng quy mô, long trọng và mang nhiều dấu ấn hơn so với trước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đây là một trong những kết quả quan trọng thể hiện sinh động công tác bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người của đồng bào Khmer tại địa phương nói riêng, cũng như đảm bảo quyền con người trên lĩnh văn hóa nói chung./.
Việt Triều