Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II - Tuyên bố Ma-ni-la 1987 (Thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 3, Ma-ni-la 15/12/1987 )
Quốc vương Bru-nây Đa-ru-xa-lam, Tổng thống Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Thủ tướng Ma-lay-xi-a, Tổng thống Cộng hòa Phi-lip-pin, Thủ tướng Cộng hoà Xing-ga-po và Thủ tướng Vương quốc Thái lan;

Khẳng định lại cam kết đối với Tuyên bố ASEAN, Tuyên bố về sự hoà hợp ASEAN, Tuyên bố về Khu vực Hoà bình, Tự do và Trung lập 1971 và Thông cáo chung Cu-a-la Lăm-pơ 1977;

      Được cổ vũ bởi những thành tựu của ASEAN trong hai thập kỷ qua, đặc biệt trong việc tạo môi trường chính trị thuận lợi cho sự phát triển của các Quốc thành viên và trong viêc hình thành bản sắc riêng được cộng đồng các quốc gia công nhận và tôn trọng;

Kiểm điểm lại tình hình chính trị và kinh tế quốc tế hiện tại và xem xét những tác động của những thay đổi trong thập kỷ qua đối với ASEAN;

      Tin rằng phát triển kinh tế và tiến bộ là điều cốt yếu cho sự ổn định và an ninh khu vực;

      Được khuyến khích bởi niềm tin vững chắc vào khả năng của nhân dân các Quốc thành viên và tiềm năng phát triển các Quốc thành viên và bởi hy vọng sâu sắc về tương lai của ASEAN;

      Phấn đấu phát huy những thành tựu của ASEAN như một tổ chức khu vực năng động và gắn bó, vì sự phồn thịnh của nhân dân mình.

      Nay tuyên bố:

          

      Các Quốc gia thành viên sẽ tăng cường khả năng tự cường quốc gia và tự cường khu vực để bảo đảm an ninh, ổn định và tăng trưởng trong khu vực ASEAN.

          

      Chủ nghĩa khu vực ASEAN được xây dựng trên sự gắn bó về chính trị, kinh tế và văn hoá có tầm quan trọng sống còn hơn bao giờ hết đối với tương lai của Đông Nam á.

          

      ASEAN sẽ theo đuổi đoàn kết và hợp tác khu vực trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt khi những sức ép và căng thẳng thuộc mọi dạng xuất hiện từ bên trong hoặc từ ngoài khu vực thách thức khả năng, quyết tâm và thiện chí của các Quốc gia thành viên ASEAN.

         

      Tranh chấp giữa các nước khu vực sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình phù hợp với tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam á và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

         

      Trong khi các Quốc gia thành viên có trách nhiệm về an ninh của mình, hợp tác trên cơ sở phi ASEAN giữa các Quốc gia thành viên trong các vấn đề an ninh sẽ tiếp tục phù hợp với nhu cầu và lợi ích chung giữa họ.

          

      Các Quốc gia thành viên sẽ tăng cường hợp tác kinh tế trong nội bộ ASEAN để tối đa việc sử dụng tiềm năng của khu vực về mậu dịch và phát triển và để nâng cao hiệu lực của ASEAN trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đối phó với những tác động của nó.

          

      Các Quốc gia thành viên sẽ khuyến khích một môi trường mà trong đó khu vực tư nhân có thể đóng vai trò ngày càng tăng trong việc phát triển kinh tế và hợp tác trong ASEAN.

          

      Hợp tác chuyên ngành của ASEAN sẽ thúc đẩy việc nâng cao nhận thức về ASEN, sự tham gia và hợp tác rộng lớn và tăng lên giữa nhân dân các nước ASEAN, và việc phát triển nguồn nhân lực.

          

      ASEAN sẽ kiên quyết loại trừ việc sử dụng và buôn lậu ma tuý, mối đe doạ đối với nền tảng xã hội và làm tha hoá người dân.

      và đồng ý như sau:

      Hợp tác chính trị:

          

      Tăng cường đoàn kết ASEAN thông qua việc có lập trường chung và hành động tập thể trong các vấn đề sống còn đối với sự gắn bó và khả năng tự cường của ASEAN và thông qua sự phối hợp chặt chẽ đối với các vấn đề mà các Quốc thành viên quan tâm trên quốc tế.

         

      ASEAN sẽ tiếp tục và tăng cường các cố gắng trong việc tìm ra giải pháp chính trị toàn diện, bền vững cho vấn đề Căm-pu-chia vì lợi ích đem lại hoà bình và ổn định không chỉ ở Căm-pu-chia mà còn cho toàn khu vực. Những bước đi tích cực của Việt Nam đáp ứng những cố gắng của ASEAN sẽ đóng góp cho một giải pháp như vậy.

          

      ASEAN sẽ kiên định trong các cố gắng để tìm một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề người tị nạn Đông Dương ở Đông Nam á.

          

      ASEAN sẽ tăng cường mọi cố gắng, để sớm tiến tới hình thành khu vực Hoà bình, Tự do và Trung lập ở Đông Nam á (ZOPFAN) có tham khảo ý kiến với các nước ngoài ASEAN.

          

      ASEAN sẽ tăng cường mọi cố gắng để tiến tới sớm thành lập Khu vực Đông Nam á phi hạt nhân (SEANWFZ), kể cả việc tiếp tục xem xét mọi khía cạnh liên quan đến việc thành lập Khu vực này và một công cụ thích hợp để thành lập Khu vực như vậy.

          

      ASEAN sẽ thúc đẩy và phát triển hợp tác với các nước ở khu vực Thái Bình Dương, cả các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển với nhận thức về sự năng động và tiềm năng ngày càng tăng của khu vực. Quan hệ với các nước đang phát triển ở khu vực cũng có thể được tạo dựng trong bối cảnh hợp tác Nam-Nam.

       Về hợp tác kinh tế:

      7-Để tăng cường cố gắng mở rộng đáng kể mậu dịch trong nội bộ ASEAN, ASEAN sẽ thông qua và thực hiện kế hoạch cả gói các biện pháp nhằm cải thiện Thoả thuận Ưu đãi Mậu dịch (PTA). Những biện pháp như vậy sẽ bao gồm việc dần cắt giảm số lượng mặt hàng trong danh sách loại trừ của các Quốc thành viên và mở rộng việc áp dụng mức thuế ưu đãi thấp nhất cho các mặt hàng hiện có trong diện PTA. ASEAN cũng sẽ nới lỏng yêu cầu về hàm lượng ASEAN trong "Các quy định về nguồn gốc" trên cơ sở từng trường hợp một. Sẽ giữ nguyên các hàng rào phi quan thuế và tiến hành đàm phán về giảm bớt các hàng rào phi quan thuế càng sớm càng tốt ngay sau cuộc họp những Người đứng đầu Chính phủ ở Ma-ni-la.

       8-ASEAN sẽ gia tăng phát triển công nghiệp một cách lành mạnh trong khu vực bằng việc làm cho Kế hoạch liên doanh công nghiệp ASEAN (AIJV) linh hoạt hơn, nhanh chóng thực hiện hơn và hấp dẫn hơn đối với đầu tư tư nhân. ASEAN cũng sẽ ký kết một hiệp định bảo đảm đầu tư giữa các nước ASEAN, tiếp tục trao đổi thông tin về các chính sách và kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, thi hành các biện pháp thích hợp để khuyến khích các luồng công nghệ, kỹ sảo và đầu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN.

       9-Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, ASEAN tán thành việc thành lập Công ty tái bảo hiểm ASEAN vào năm 1988. Các biện pháp hướng về phía trước khác trong lĩnh vực này bao gồm việc sử dụng Mô hình Công ước tránh đánh thuế hai lần trong ASEAN như là một phương hướng, tự do hoá sử dụng các đồng tiền ASEAN trong buôn bán nội bộ ASEAN và có thể mở rộng sang đầu tư, tăng cường hiệu quả của các cơ quan hải quan và thuế thông qua các chương trình huấn luyện.

      10-Trong lĩnh vực hợp tác hàng hoá giữa ASEAN, Hiệp hội sẽ có hành động chung để giải quyết những vấn đề về dư thừa mang tính cơ cấu, tìm kiếm phần thị trường lớn hơn, phát triển các ngành công nghiệp dựa vào nguồn lực địa phương, tăng cường các chương trình nghiên cứu và triển khai, khuyến khích việc thành lập các hội các nhà sản xuất, các hội mậu dịch khu vực và trao đổi hàng hoá.

      11-Do tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại trong ngành dịch vụ, ASEAN sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.

       12-ASEAN sẽ khuyến khích việc đi lại trong nội bộ ASEAN và phát triển ngành du lịch thành ngành công nghiệp có sức sống và có khả năng cạnh tranh. Năm 1992, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ASEAN, được tuyên bố là "Năm du lịch ASEAN".

      13-ASEAN sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, kể cả lập kế hoạch về năng lượng, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai, đào tạo nhân lực, tiết kiệm và hiệu quả, thăm dò, sản xuất và cung cấp các nguồn năng lượng.

       14-Trong lĩnh vực vận tải và liên lạc, ASEAN sẽ theo đuổi việc hình thành Hệ thống điện tín trung gian, Hệ thống lập kho hàng rời liên ASEAN, Dịch vụ vận tải biển đến từng nơi, thành lập và tăng cường các trung tâm đóng gói và đăng ký gửi hàng bằng đường biển. Hệ thống vận tải hiện có sẽ được tăng cường để cuối cùng hình thành một hệ thống giao thông vận tải tổng thể của ASEAN.

      15-Hợp tác ASEAN về lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp sẽ nhằm cải thiện mức sống của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, duy trì việc cung cấp đầy đủ các hàng hoá nông nghiệp và lâm nghiệp cơ bản để đáp ứng nhu cầu khu vực, và giảm sự khác biệt trong cơ cấu nông-lâm nghiệp ở khu vực. Các cố gắng hợp tác tương lai sẽ hướng tới sự tham gia lớn hơn của khu vực tư nhân và nhấn mạnh hơn đến việc phát triển nguồn nhân lực của nông dân, ngư dân và công nhân lâm nghiệp.

      Quan hệ với Bên đối thoại:

      16-Mặc dù đối thoại của ASEAN với Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, EEC, Nhật, Niu Di-lơn và Mỹ bao gồm các lĩnh vực rộng lớn, nhưng các Quốc gia thành viên sẽ nhấn mạnh hơn nữa đến tiếp cận thị trường, thúc đẩy mậu dịch và du lịch, đầu tư, các nguồn lực, phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, ủng hộ các lập trường ASEAN tại các diễn đàn quốc tế. Đối thoại của ASEAN với những nước này sẽ được thường xuyên xem xét liên tục để đạt những mục tiêu trên.

      Về hợp tác chuyên ngành:

      17-Các Quốc gia thành viên, thông qua giáo dục, liên kết giữa các tổ chức và luồng thông tin được cải thiện, sẽ nâng cao nhận thức về ASEAN, phát triển trong nhân dân những giá trị kinh tế - xã hội và di sản chung, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá, truyền thống và lối sống của các quốc gia hội viên.

      18-Hợp tác chuyên ngành trong nội bộ ASEAN sẽ được xây dựng hướng vào sự tham gia rộng rãi hơn và nhiều hơn của phụ nữ và thanh niên, cũng như của các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức liên Chính phủ và Tổ chức Liên quốc hội ASEAN.

      19-ASEAN sẽ tăng cường hợp tác về y tế, ngăn chặn sử dụng ma túy và đấu tranh chống buôn lậu ma tuý, về lao động, luật pháp, dân số, sự tồn tại của trẻ em và phúc lợi, các chương trình văn hoá - xã hội, khoa học và công nghệ.

      20-Trong lĩnh vực môi trường, ASEAN sẽ hợp tác để thúc đẩy thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững và đưa vấn đề đó một cách có hệ thống vào tất cả các khía cạnh phát triển và sẽ tập trung vào sự cần thiết xây dựng phương hướng chính sách để bảo vệ các nguồn lực và môi trường chung của ASEAN.

      21-ASEAN sẽ nhấn mạnh việc phát triển một lực lượng lao động thông minh và có năng lực sản xuất cao bằng việc tăng đầu tư vào khoa học và công nghệ và bằng việc đào tạo có hiệu quả để tạo thuận lợi cho viêc chuyển giao công nghệ có hiệu quả.

      Bộ máy cho hợp tác của ASEAN:

      22-Cơ cấu tổ chức của ASEAN sẽ liên tục dược cải thiện nhằm tăng cường hiệu quả.

      Làm tại thành phố Manila của Phi-lip-pin, ngày 15/12/1987

      Thay mặt cho Bru-nây Đa-ru-xa-lam: Quốc vương Ha-gi Hat-xa-nan Bôn-ki-an

      (His Majesty Sultan Haji Hassanal Bolkian)

      Thay mặt cộng hoà In-đô-nê-xi-a: Tổng thống Xu-hác-tô (Suharto)

      Thay mặt Ma-lay-xi-a: Thủ tướng Ma-hat-thia Mô-ha-mát

      (Mahathir Mohamad)

      Thay mặt Cộng hoà Phi-lip-pin: Tổng thống Co-ra-dôn A-ki-nô

      (Corazon Aquino)

      Thay mặt Cộng hoà Xing-ga-po: Thủ tướng Lý Quang Diệu

      Thay mặt Vương quốc Thái Lan: Thủ tướng Prêm Tin-xu-la-nôn-đa


(Nguồn asean.mofa.gov.vn)















Thông báo mới




Thống kê truy cập
  • Đang online: 273
  • Hôm nay: 280
  • Trong tuần: 6 444
  • Tất cả: 3221775
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    2018 © Sở Tài Chính Tỉnh Sóc Trăng
    Địa Chỉ: Số 01 Bis, đường Hồ Hoàng Kiếm, Khóm 1, Phường 2, Thành Phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng
    Điện Thoại: 02993.821480 - Fax: 02993.825151 - Email: stcsoctrang@mof.gov.vn
    Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Kim Huy.
    Ghi rõ nguồn "Sở Tài Chính Tỉnh Sóc Trăng" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.