Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
* Nghị định 105/2025/NĐ-CP - Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Nghị định này tập trung vào việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này gồm:
+ Nội quy PCCC và CNCH: Điều 3 quy định cụ thể nội dung nội quy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở và trên phương tiện giao thông, bao gồm: quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, thiết bị PCCC; hướng dẫn xử lý khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn…
+ Trách nhiệm của người đứng đầu: Người đứng đầu cơ sở hoặc chủ phương tiện phải ban hành hoặc tham mưu ban hành nội quy PCCC & CNCH phù hợp với điều kiện hoạt động, được phổ biến công khai và niêm yết tại vị trí dễ quan sát.
+ 8 phụ lục kèm theo nghị định, trong đó đáng chú ý là:
- Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (Phụ lục I);
- Danh mục công trình, phương tiện thuộc diện thẩm định thiết kế PCCC (Phụ lục III);
- Mức phí bảo hiểm và khấu trừ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Phụ lục VI);
- Danh mục cơ sở bắt buộc mua bảo hiểm cháy, nổ (Phụ lục VII)...
* Nghị định 106/2025/NĐ-CP – Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH
Nghị định này quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực PCCC & CNCH. Nghị định này thay thế và cập nhật các quy định hiện hành nhằm tăng cường tính răn đe, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng chức năng. Một số quy định nổi bật đáng chú ý của Nghị định 106/2025/NĐ-CP:
- Không thành lập Đội PCCC và CNCH bị phạt đến 30 triệu đồng:
+ Phạt từ 10 – 20 triệu đồng nếu không thành lập Đội PCCC và CNCH cơ sở.
+ Phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu không thành lập Đội PCCC và CNCH chuyên ngành.
- Vi phạm về nội quy, lực lượng thường trực PCCC:
+ Phạt từ 6 – 8 triệu đồng nếu không ban hành hoặc không niêm yết nội quy, biển báo, biển chỉ dẫn PCCC.
+ Phạt từ 8 – 10 triệu đồng nếu không bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCC, CNCH hàng ngày.
- Xử phạt hành vi vi phạm trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt
+ Phạt từ 5 – 10 triệu đồng nếu không đảm bảo khoảng cách PCCC khi sử dụng thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
+ Phạt từ 20 – 25 triệu đồng nếu sử dụng ở khu vực cấm hoặc hàn cắt kim loại mà không có biện pháp PCCC.
Nếu để xảy ra cháy, mức phạt gấp đôi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Vi phạm liên quan hệ thống điện, báo cháy chữa cháy có thể bị phạt tới 50 triệu đồng:
+ Phạt từ 40 – 50 triệu đồng nếu không có giải pháp ngăn cháy lan ở khu vực sạc xe điện trong nhà, không duy trì nguồn điện phục vụ PCCC.
+ Phạt từ 30 – 40 triệu đồng nếu lắp đặt thiết bị báo cháy/chữa cháy không đảm bảo.
+ Phạt từ 40 – 50 triệu đồng nếu không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy cơ giới.
- Mức xử phạt đối với tổ chức gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân
Việc ban hành đồng thời hai nghị định này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Nghị định 105/2025/NĐ-CP và Nghị 106/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
(Tải Nghị định 105/2025/NĐ-CP và 106/2025/NĐ-CP tại đây)